Hoạt động văn hóa Võ Đình Cường

Năm 1941 đến 1945, ông là cộng tác viên của Tạp chí Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học do Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám làm Chủ nhiệm.

- Từ năm 1945 đến năm 1957, Cư sĩ đảm nhiệm khi thì làm Tổng thư ký Tòa soạn, khi thì Biên tập viên các báo Giải thoát, Tiến hóa, Ngày Mai, Liên Hoa tại Huế.

- Từ năm 1957 đến 1966, tại Sài Gòn, Cư sĩ đảm nhiệm Biên tập viên Tạp chí Phật giáo Việt Nam, Tổng Thư ký tuần báo Hải Triều Âm và Tổng Thư ký Tòa soạn tuần báo Thiện Mỹ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.[1]

- Năm 1976, Cư sĩ đảm trách Tổng biên tập báo Giác ngộ cho đến năm 1990.

- Năm 1980, Cư sĩ là một trong những thành viên tích cực vận động thống nhất Phật giáo. Năm 1981, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ I họp tại Thủ đô Hà Nội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Cư sĩ được Đại hội cử giữ chức Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN. Với cương vị này, vào năm 1982, Cư sĩ đã cho ra đời tờ Tập văn Phật giáo thuộc Ban văn hóa Trung ương GHPGVN liên tục cho đến năm 2004 thì đình bản để xin chuyển sang Tạp chí. Khi được Bộ Văn hóa chấp thuận Tạp chí Văn hóa Phật giáo ra đời, Cư sĩ lại đảm nhận trọng trách Tổng biên tập.

Ngoài ra, Cư sĩ còn là một nhà văn đã xuất bản trên 10 đầu sách như:

  • Ánh đạo vàng năm 1945;
  • Thử Hòa Điệu Sống, năm 1949;
  • Đây Gia đình (hồi ký) năm 1956;
  • Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh năm 1960;
  • Những Cặp Kính Màu năm 1964;
  • Những Ngả Đường (truyện dài), năm 1965;
  • Đạo Phật Qua Cặp Kính Màu Của Tôi (nghị luận) năm 1967;
  • Cành Hoa Mẹ Tặng (tuyển tập), năm 1994;
  • Cô Gái Bất Khuất (dịch tuyển truyện ngắn của Somerset Maugham) năm 1972;
  • Vi Phạm Nhân quyền Miền Nam Việt Nam (dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của Phái đoàn điều tra Liên Hợp Quốc về cuộc đàn áp Phật giáo năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm), xuất bản năm 1964.